Hàng năm, sau dịp Tết Nguyên đán, người dân Việt Nam lại nô nức kéo nhau vi vu khắp nơi du xuân, tham gia những lễ hội truyền thống thu hút đông đảo khách hành hương. Đa phần những lễ hội đặc sắc ở miền Bắc thường được tổ chức vào những ngày đầu xuân năm mới, đặc biệt là dịp tháng Giêng.
1. Hội gò Đống Đa - Hà Nội
Hằng năm, cứ vào Mùng 5 tháng Giêng Âm lịch, tại Hà Nội lại diễn ra Lễ hội gò Đống Đa. Đây là sự kiện gắn với chiến thắng của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ trước quân xâm lược nhà Thanh.
Vào ngày hội có rất nhiều trò chơi dân gian thú vị, trong đó, rước Rồng lửa Thăng Long là tiết mục độc đáo hơn cả. Người xem bị cuốn hút bởi không khí hào hùng, sục sôi khi những tốp người mặc võ phục vây quanh chú rồng được bện từ nùi rơm, giấy bồi, mo nang đánh quyền, múa côn như đang tái hiện lại bối cảnh những cuộc chiến vang danh sử vàng.
2. Lễ hội chùa Keo - Thái Bình
Lễ hội chùa Keo tưởng nhớ công đức của Quốc sư Dương Không Lộ (1016 - 1094) và những người có công xây dựng Chùa. Đây là dịp để nhân dân tỉnh Thái Bình quảng bá du lịch; phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh, nhu cầu tham quan và hưởng thụ các giá trị văn hóa, nghệ thuật kiến trúc điêu khắc độc đáo. Qua đó, gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, truyền thống.
Với những giá trị đặc biệt về văn hóa lịch sử, năm 2012, quần thể chùa Keo được công nhận Di tích cấp quốc gia đặc biệt. Ngày 23/1/2017, Bộ VH-TT&DL ghi danh lễ hội Chùa Keo (tỉnh Thái Bình) là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.
3. Lễ hội chùa Hương - Hà Nội
Lễ hội chùa Hương hay Trẩy hội chùa Hương là một lễ hội của Việt Nam, nằm ở Mỹ Đức, Hà Nội. Trong khu thắng cảnh Hương Sơn, được xem hành trình về một miền đất Phật - nơi Quan Thế Âm Bồ Tát ứng hiện tu hành. Đây là một lễ hội lớn về số lượng các phật tử tham gia hành hương.
Không giống như những ngôi chùa bình thường, chùa Hương có kết cấu khá đặc biệt, chùa được tạo thành bởi tập hợp nhiều hang động, đền chùa nằm trong lòng núi rừng thiên nhiên. Đây không chỉ là cụm di tích văn hóa tâm linh mà còn là di sản văn hóa quốc gia.
Lễ hội chùa Hương diễn ra tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Thời gian kéo dài lễ hội từ mùng 6 tháng giêng cho tới hết tháng 3 Âm lịch.
4. Lễ hội chùa Bái Đính - Ninh Bình
Chùa Bái Đính thuộc địa phận xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn. Đây là một quần thể chùa có diện tích lớn nhất Việt Nam, được biết đến với nhiều kỷ lục châu Á và Việt Nam được xác lập.
Lễ hội chùa Bái Đính được tổ chức từ chiều mùng 1 Tết, khai mạc ngày mùng 6 Tết và kéo dài đến hết tháng 3, buổi lễ mở đầu cho những lễ hội hành hương về vùng đất cố đô Hoa Lư Ninh Bình.
5. Hội đền Gióng - Sóc Sơn
Thường niên, cứ vào ngày 6 tháng 1 Âm lịch, nhân dân huyện Sóc Sơn, Hà Nội nói riêng và trong cả nước nói chung lại nô nức đi trẩy hội đền Gióng. Hội Gióng là một lễ hội truyền thống hàng năm được tổ chức ở nhiều nơi thuộc vùng Hà Nội để tưởng niệm và ca ngợi chiến công của người anh hùng truyền thuyết Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Có 2 hội Gióng tiêu biểu ở Hà Nội là hội Gióng Sóc Sơn ở đền Sóc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn và hội Gióng Phù Đổng ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
6. Hội Xoan - Phú Thọ
Hội Xoan được tổ chức ở làng Hương Nha, huyện Tam Thanh, Phú Thọ từ ngày mùng 7 đến hết ngày mùng 10 Tết Nguyên Đán nhằm tưởng nhớ đến Xuân Nương - một trong những cánh tay đắc lực trên chiến trường của Hai Bà Trưng.
Theo truyền thuyết kể lại rằng: Nghệ thuật hát xoan ở Phú Thọ có từ lâu đời, khoảng 2000 năm trước Công Nguyên. Người ta tổ chức hát xoan không chỉ để vui chơi, giải trí mà còn để cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa, được mùa bội thu.
7. Hội chợ Viềng - Nam Định
Hội chợ Viềng được tổ chức tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bảng, TP Nam Định vào ngày mùng 8 tháng Giêng. Hàng năm có rất nhiều du khách và dân bản địa đến dự hội và đi chùa, đền, phủ ở nơi đây để xin lộc đầu xuân.
8. Lễ hội Yên Tử - Quảng Ninh
Lễ hội Yên Tử được tổ chức tại núi Yên Tử, TP Uông Bí, Quảng Ninh từ ngày mùng 9 tháng Giêng và kéo dài cho đến hết tháng 3 Âm Lịch. Lễ hội bao gồm các hoạt động: Bái tổ Trúc Lâm, dâng hương cúng phật, những hoạt động văn hóa dân gian…
Những năm trở lại đây, thiền viện trúc lâm Yên Tử trở thành địa điểm du lịch văn hóa tâm linh, vãn cảnh thu hút đông đảo du khách ghé thăm.
9. Hội Lim - Bắc Ninh
Hội Lim - kết tinh văn hóa truyền thống của đất Kinh Bắc được tổ chức thường niên vào 2 ngày: 12 và 13 tháng Giêng. Lễ hội nhằm tôn vinh tài sản văn hóa phi vật thể của xứ Bắc với những làn điệu quan họ ngọt ngào.
Du lịch Bắc Ninh vào đúng dịp đầu xuân, các bạn sẽ được thưởng thức những điệu hò giao duyên rất tình và độc đáo của những liền anh, liền chị. Ngoài ra, du khách còn được hòa nhập vào không khí nhộn nhịp ở lễ hội thông qua các trò chơi cổ truyền như đấu võ, đu quay, nấu cơm, dệt cửi…
10. Lễ hội đền Trần - Nam Định
Hội đền Trần được tổ chức từ ngày 13 đến ngày 15 Tết Nguyên đán nhằm tỏ lòng thành kính đến trời đất cùng chư vị thần linh. Quy mô của lễ hội được tổ chức tại cả 3 đền: Thiên Trường, Trùng Hoa, Cố Trạch.
Người dân đến hội không chỉ để thắp hương bày tỏ lòng thành đến thần linh mà còn xin tờ ấn để cầu thăng tiến trong sự nghiệp.
11. Lễ hội Bà Chúa Kho - Bắc Ninh
Lễ hội được khai mạc từ ngày mùng 4 cho đến hết tháng tháng Giêng tại đền Bà Chúa Kho ở làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, Bắc Ninh. Lễ hội có tục dâng hương, khấn vay tiền Bà như cầu mong một năm tài lộc đầy mình.
Từ lâu phong tục đầu năm xin lộc và cuối năm trả lễ Bà Chúa Kho đã trở thành thói quen thường niên không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Việt.
12. Hội đền Hùng - Phú Thọ
Lễ hội Đền Hùng còn gọi là Giỗ tổ Hùng Vương, là một lễ hội lớn nhằm tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc.
"Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm"
Câu ca dao đậm đà tình nghĩa đã đi vào lòng mỗi người dân Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hàng ngàn năm nay, Đền Hùng - nơi cội nguồn của dân tộc, của đất nước luôn là biểu tượng tôn kính, linh nghiêm quy tụ và gắn bó với dân tộc Việt Nam.
Giỗ tổ Hùng Vương được tổ chức từ ngày mùng 9 đến ngày 13 tháng 3 Âm lịch, chính hội là ngày mùng 10 tháng 3.