Bà N. nhớ lại, khi mới nhập viện được 10 ngày, bà đã lịm đi, không nhận thức hết mọi thứ xung quanh. Gia đình bà N. ở Hà Nội, có 4 người mắc Covid-19 thì 2 người rơi vào trạng thái nguy kịch.
Bà Trịnh Thi Thu N. (sinh năm 1957, trú tại Long Biên, Hà Nội) là bệnh nhân 162 mắc Covid-19 được ghi nhận tại Việt Nam, cũng là một trong các ca bệnh tiến triển nặng.
Bà N. tới chăm mẹ chồng điều trị nội trú tại Khoa Thần kinh- Bệnh viện Bạch Mai từ giữa tháng 3. Đến ngày 25/3, sau kết quả xét nghiệm sàng lọc, hai mẹ con bà N. được xác định dương tính nCoV, chuyển cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.
Người mẹ chồng 88 tuổi của bà N. (bệnh nhân 161) có bệnh nền chảy máu não thất, tăng huyết áp, tình trạng liệt nửa người trái điều trị ở Khoa Cấp cứu. Bà N. khi ấy chưa có triệu chứng nên điều trị ở khu bệnh nhân nhẹ - Khoa Nội tổng hợp.
Một đêm cuối tháng 3, sau khoảng 3 - 4 ngày từ thời điểm nhập viện, bà N. đột ngột cảm thấy sốt nhẹ, hoa mắt, chóng mặt và được nhân viên y tế chuyển xuống Khoa Cấp cứu. Những ngày tiếp theo, các triệu chứng sốt, đau đầu, khó thở nặng dần. Bà N. thấy chân tay sưng phù, trắng bệch, rất khó khăn trong việc nhấc tứ chi lên xuống.
Đến ngày 6/4, bệnh nhân tiến triển viêm phổi rất nặng. Bà N. chỉ có thể nhớ được mình từ từ lịm đi rồi rơi vào trạng thái lơ mơ, không nhận thức hết được mọi sự việc.
Bệnh nhân 162 xúc động trong buổi lễ ra viện tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 2 |
Bác sĩ Trần Văn Bắc, Phó trưởng Khoa Cấp cứu, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân 162 chia sẻ: “Kết quả chụp CT và thăm khám cho thấy tổn thương phổi đã lan sang 2 bên, oxy trong máu xuống ngưỡng rất thấp. Tình trạng khi ấy của bà N. rất giống với các ca Covid-19 nặng nhất đang phải thở máy xâm nhập (bệnh nhân được máy hỗ trợ thở thông qua ống nội khí quản hoặc canun mở khí quản)”.
Thời điểm đó, ranh giới của việc phải đặt ống thở xâm nhập rất gần. Tuy nhiên, xác định phương pháp này dễ gây tai biến, đe dọa tới tính mạng bệnh nhân, các bác sĩ đã tìm mọi biện pháp để tránh cho người bệnh việc đặt ống thở máy.
Bác sĩ Bắc chia sẻ, bà N. là bệnh nhân Covid-19 nặng nhất của Khoa Cấp cứu thời điểm bấy giờ. Mỗi ngày, khoa đều hội chẩn và theo dõi diễn biến rất sát, nỗ lực hết sức để cải thiện oxy máu cho bệnh nhân.
Các bác sĩ quyết định cho bà N. thở máy không xâm nhập (không mở khí quản, bản chất là tạo ra dòng khí hỗ trợ động tác hít vào của người bệnh). Ngoài ra, kíp tối ưu hóa các thuốc điều trị căn nguyên, thường xuyên đặt bệnh nhân nằm sấp để cải thiện oxy máu.
Các tình trạng bội nhiễm vi khuẩn cũng được chú trọng điều trị triệt để, tránh tác động bất lợi cho bệnh nhân trong giai đoạn rất nặng.
“Chúng tôi luôn sâu sát và chú ý từng vấn đề nhỏ nhất vì tình hình của bệnh nhân giai đoạn ấy rất mong manh, chỉ 1 yếu tố nhỏ tác động cũng có thể làm bệnh tình tiến triển nguy kịch”, bác sĩ Bắc nói.
Không chỉ về điều trị, vấn đề chăm sóc thời điểm ấy cũng đặc biệt quan trọng bởi nếu bệnh nhân mệt lả, mất sức, nguy cơ phải đặt ống thở máy xâm nhập rất cao. Mỗi ngày, các điều dưỡng đều kiên nhẫn đút cho bà N. từng thìa cháo, động viên bà cố gắng ăn thật nhiều.
Điều dưỡng bón từng thìa cháo cho bệnh nhân Covid-19 nặng |
Sau khoảng 5 ngày điều trị tích cực, bà N. bắt đầu có nhận thức trở lại. Hình ảnh đầu tiên người phụ nữ 63 tuổi thấy khi vừa tỉnh là một nữ điều dưỡng đang tiêm cho bà, vừa thủ thỉ: “Bác đã vượt qua được 70% chặng đường rồi, chỉ còn một chút nữa thôi. Bác cố gắng nhé”.
Câu nói ấy làm bà N. rất xúc động. Bà tâm sự, khi nhìn thấy nhân viên y tế vất vả vì mình, bà tự nhủ cần nhanh khỏe lại để họ bớt đi gánh nặng. Dù việc ăn uống còn rất khó khăn do cơ thể chưa hồi phục, bà vẫn không bỏ cuộc.
Bác sĩ Trần Văn Bắc chia sẻ, sự quyết tâm của bệnh nhân 162 chính là yếu tố quan trọng giúp bà nhanh vượt qua tình trạng xấu. Bà N. dần được chuyển từ thở máy không xâm nhập sang thở oxy liều cao. Đến khoảng ngày 19/4, sức khỏe của bà N. được đánh giá đã ổn định hẳn, có thể yên tâm hoàn toàn.
Nữ bệnh nhân 63 tuổi nhiều lần liên tiếp có kết quả âm tính nCoV trong các ngày 7/4, 9/4, 12/4, 15/4, 22/4, 28/4 và 4/5. Ngày 8/5, khi đã bình phục và không còn các triệu chứng bệnh, bà N. được công bố khỏi bệnh.
Niềm vui lớn khác đến với bà N. khi mẹ chồng của bà – bệnh nhân 161 cũng đã được công bố khỏi bệnh ngày 5/5. Cụ bà là 1 trong các ca Covid-19 nặng nhất Việt Nam.
Được biết, khi nhập viện, kết quả chụp CT cho thấy cụ bà có tổn thương phổi trái. 3 ngày sau, bệnh nhân có xu hướng tổn thương phổi tăng. Đến ngày 2/4, bệnh nhân phải thở oxy, sau đó mở nội khí quản và chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực. Tiếp sau đó, cụ bà được chỉ định thở máy xâm nhập.
Trong suốt khoảng thời gian điều trị, bệnh nhân 161 nhiều lần diễn tiến nguy kịch. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ, tình hình xấu đã được cải thiện, cụ bà dần cai được thở máy. Bệnh nhân có kết quả âm tính nCoV 4 lần liên tiếp vào các ngày 27/4, 29/4, 30/4 và 3/5 và được công bố khỏi bệnh ngày 5/5.
Chăm sóc bệnh nhân Covid-19 nặng tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh |
Hiện nay, mẹ chồng bà N. đã được chuyển tới Bệnh viện Bạch Mai để điều trị tai biến mạch máu não. Bà N. ở lại viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh cách ly thêm 14 ngày.
Bà N. tâm sự, ngoài bản thân và mẹ chồng, gia đình bà còn có 2 người nữa mắc Covid-19, là em dâu và con gái. 4 người mắc bệnh thì có đến 2 người diễn tiến nặng, nguy kịch nhiều lần, tâm lý đại gia đình đã bất ổn trong một thời gian dài. Tuy nhiên, cả nhà luôn tự động viên để cùng nhau vượt qua.
Những ngày này khi ở trong phòng cách ly, bà N. dành gần 2 tiếng/ngày cho việc tập thở bằng bóng chuyên dụng – loại bóng giúp phổi nở dần, hồi phục chức năng hô hấp. Bên cạnh đó, bà cũng tập hít thở và vận động nhẹ ngay trong phòng để cải thiện sức khỏe. Mong ước lớn nhất của bà thời điểm hiện tại là cả gia đình sớm được đoàn tụ.
“Tôi biết ơn tất cả các y bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã giúp mẹ con tôi được sống và khỏe mạnh trở lại”, bà N. xúc động chia sẻ.