Chiếc ôtô vừa đỗ trước quán cà phê, một nhân viên đã chạy ra xua tay "Đóng cửa rồi!". Người tài xế nhìn quanh, cả con phố vắng tanh, không một quán nào hé cửa. Cậu nhân viên vừa xua tay "đuổi khách" phân trần, quán dừng hoạt động đột ngột theo lệnh của thành phố nên từ sáng đến giờ cậu đã phải từ chối khoảng 20 vị khách như vậy.
Chiều 24/3, sau cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu tất cả các dịch vụ không thiết yếu như quán bar, karaoke, cafe, nhà hàng, phòng tập gym... sẽ phải tạm dừng hoạt động từ 0h ngày 26/3 đến ngày 5/4, bất kể nội hay ngoại thành. Thành phố sẽ chỉ để 20% xe buýt hoạt động, khuyến cáo người dân không sử dụng phương tiện giao thông công cộng trong lúc này.
Chủ quán Nguyễn Văn Thắng cho biết, đêm qua anh nhận được điện thoại từ công an phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm yêu cầu dừng hoạt động vì đây là một trong những biện pháp mới nhất nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Có lẽ các chủ quán khác trên địa bàn cũng nhận được điện thoại như anh nên từ sáng, cả con phố nằm trên quận non trẻ nhất thủ đô này đã vắng hoe.
Trưa 26/3, anh Thắng treo biển đóng cửa hàng thay vì tất bật đón khách như mọi ngày |
"Bất ngờ, nhưng trong thời dịch dã thì phải làm thôi", ông chủ quán nói. Từ sáng sớm, anh xúm vào dọn dẹp với 12 nhân viên. Đến gần trưa, cánh cổng sơn trắng khép lại, tấm biển "Nghỉ Covid-19 từ 26/3 đến ngày 5/4" được kéo ra chính giữa. Bên ngoài vỉa hè, hàng chục chậu cây xếp dồn một chỗ. Bên trong, bàn ghế úp ngược thành chồng cao giữa nhà.
"Đứa nào về quê thì về, không thì đóng cửa ở yên trong nhà trọ, đừng có đi lang thang, dịch đang cao điểm đấy", anh nói với các nhân viên.
"Vị khách bị từ chối" đảo mắt nhìn quanh một lượt con phố dài khoảng 2 km chạy quanh hồ điều hòa với hy vọng tìm được một chỗ ngồi. Nhưng hàng chục quán cà phê, nhà hàng thuê mặt bằng từ các khu biệt thự và chung cư như tiệm anh Thắng đều đã đóng cửa kín mít, không có dấu hiệu hoạt động. Có nơi còn treo biển nghỉ 2 tháng kể từ hôm nay.
Khác với các hàng quán cố định, những gánh hàng rong, hộ kinh doanh nhỏ tỏ ra phản ứng mau lẹ hơn với lệnh cấm của thành phố. Phố Nghĩa Tân, con phố có biệt danh "thiên đường quà vặt" trưa 26/3 vắng như Tết. Hàng chục gánh bún đậu, thịt xiên, bánh mỳ bơ nướng... ngày thường chen chúc trên vỉa hè giờ bỗng nhiên biến mất, chỉ còn duy nhất một gánh tào phớ.
Người phụ nữ ngũ tuần vét nồi được hai bát cuối cùng đưa cho hai cậu học sinh. "Tôi không biết chỉ thị, lỡ làm rồi nên bán nốt", bà vừa nói vừa xếp lại quang gánh.
Cách đó chừng 30 mét, vợ chồng bà Khuyên ngồi trước cửa quán bún đậu của mình. Mọi ngày khách ngồi kín vỉa hè, sáng nay công an phường đến vận động đóng cửa quán, bà mới biết có chỉ thị mới. "Trở tay không kịp nữa", bà nói vì đã trót làm hàng.
Vợ chồng bà Khuyên chỉ tiếp khách mua mang về hôm 26/3. |
Không mở cửa bán nhưng hàng trăm suất đồ ăn đã làm, vợ chồng bà đành cố bán vớt vát cho những khách mang về. "Chắc phải mang về chia cho anh em họ hàng ăn hộ thôi", bà Khuyên nói. Từ khi có dịch tới giờ quán vắng hẳn, lại thêm quy định mới này nên bà quyết định sẽ đóng cửa một thời gian.
Cách đó không xa, một quán miến trộn đã kịp "chuyển đổi phương thức kinh doanh" - chỉ bán online. Họ cũng hạn chế số lượng khách vào quán, đồng thời khuyến khích mọi người mua về. "Từ ngày mai chúng tôi chỉ phục vụ khách online thôi", anh nhân viên phục vụ cho hay.
Từ sáng sớm, các tiểu thương trong chợ Nghĩa Tân đã được phát văn bản hướng dẫn để biết từ mai mình có còn được bán hay không. Chị hàng thịt nhìn sang người hàng xóm bán gạo, nói: "Chúng tôi là các mặt hàng nhu yếu phẩm nên vẫn được bán".
Chỉ thị của Hà Nội cho biết, chỉ những cửa hàng kinh doanh một số mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, hiệu thuốc, trạm xăng dầu sẽ được phép mở cửa.
Biết về chỉ thị đóng cửa các hàng quán từ tối qua, song anh Lưu Tiến Mạnh, 35 tuổi ở Đống Đa không nghĩ Hà Nội lại thực hiện "thần tốc" tới vậy. Trên đường đi làm, anh không thể tìm được hàng ăn sáng nào, đến đâu cũng thấy đóng cửa im lìm. "Thế là ôm bụng đói đến trưa", anh Mạnh, làm tại phòng quảng cáo một cơ quan nhà nước phố Quán Sứ, nói.
Một số đồng nghiệp cũng chung cảnh "bơ vơ" như Mạnh. Hơn 10 giờ đã có người đi ăn cơm bụi nhưng sau đó trở về báo không có quán nào bán, Mạnh rủ đồng nghiệp mua đồ ăn online. "Thường buổi trưa tôi hay đi ăn ngoài, sau còn la cà trà đá. Nay đến quán trà đá cũng mất tích luôn", anh nói và dự định có thể từ mai phải mang cơm nhà đi.
Không chỉ mất chỗ ăn, anh Mạnh còn nhận được tin từ chiều nay, phòng tập gym quen thuộc cũng đóng cửa và chưa biết bao giờ mới mở lại. Tập gym 5 năm nay, giờ thói quen bị gián đoạn, anh dự định sẽ đi chạy và vận động tại nhà. "Chắc chắn sẽ bứt rứt nhưng tôi nghĩ đây là điều nên làm. Hy vọng Covid-19 sẽ nhanh được kiểm soát", anh nói.
Nhà hàng treo biển đóng cửa hai tháng để phòng chống Covid-19 từ sáng 26/3. |
Cách cơ quan anh Mạnh hơn 2km, trong căn phòng hơn 30m2 trên phố Phan Huy Chú, Nguyễn Tiến Đức, 24 tuổi và hai người bạn đang ngồi quanh mâm cơm tự nấu đầu tiên với trứng rán, rau khoai lang luộc và thịt rang.
Ba thanh niên cùng làm trong ngành du lịch thuê trọ một nhà, thất nghiệp khi Covid-19 bùng phát. Thu nhập không có, hàng quán quanh phố đóng cửa im ỉm, ba người bảo nhau mỗi ngày góp 20 nghìn đồng, nấu cơm ngày hai bữa.
"Mỗi thằng một xe đi làm shipper. Tôi có quen một anh bạn làm bánh ngọt, ba đứa đang tính lấy hàng về bán online kiếm thêm thu nhập", Đức kể.
Hà Nội hiện là địa phương có số người nhiễm nCov cao nhất cả nước và có khả năng xuất hiện ổ dịch.
Không chỉ Hà Nội, một số địa phương khác như TP HCM, Hải Phòng, Cần Thơ cũng triển khai nhiều biện pháp kiểm soát dịch chặt chẽ hơn. Chiều 24/3, TP HCM đã ra văn bản yêu cầu toàn bộ cơ sở dịch vụ ăn uống có quy mô trên 30 người, bida, phòng gym, spa, tiệm hớt tóc... phải dừng hoạt động đến hết ngày 31/3.