Lượng du khách đổ về chùa Hương (Hà Nội) và chùa Tam Chúc (Hà Nam) giảm khoảng 1/3 trong bối cảnh dịch viêm phổi cấp do nCoV diễn biến phức tạp.
9h ngày 2/2, hơn 5.000 thuyền neo đậu ở bến Yến (Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội), song chỉ lác đác vài đoàn khách xuống thuyền. Họ đem theo hương hoa, đồ lễ và đều đeo khẩu trang.
Chị Đặng Thị Hương (48 tuổi, làm nghề lái đò) đi bộ quãng đường dài theo nhóm khách để mời sử dụng dịch vụ nhưng không thành. "Mọi năm vào dịp cuối tuần sau Tết là cao điểm, nhưng năm nay khách vắng quá. Tôi làm nghề cả chục năm ở đây chưa bao giờ thấy tình trạng này, đợi từ 5h sáng chưa chở được chuyến nào", chị nói qua chiếc khẩu trang vải màu hồng, loại 2.000 đồng/chiếc bán đổ đống ở chợ quê.
Lo lắng về dịch viêm phổi cấp do nCoV, ba ngày trước chị Hương tìm mua khẩu trang y tế nhưng hiệu thuốc trong vùng đều hết hàng. Chị nghĩ chiếc khẩu trang mình đang đeo không ngăn được virus song "đỡ được đến đâu hay đến đó".
Bến đò suối Yến, chùa Hương sáng 2/2.
Trạm kiểm soát bến Trò không còn cảnh khách xếp hàng đông nghịt như mấy ngày trước; người đi qua thưa thớt ở khu vực ga cáp treo lên động Hương Tích.
Anh Ngô Minh Tuấn (34 tuổi, Thanh Miện, Hải Dương) kéo lại chiếc khẩu trang cho cậu con trai 2 tuổi đang ngủ gật trên vai bố, cho hay, đây lần đầu tiên anh Tuấn đưa gia đình, cùng bạn bè đi du xuân ở miền Bắc.
"Tôi quê miền Bắc nhưng sống ở TP HCM. Năm nay chúng tôi tổ chức đoàn 19 người du Xuân lễ Phật ở chùa Tam Chúc (Hà Nam), chùa Hương (Hà Nội) và chùa Yên Tử (Quảng Ninh)", anh Tuấn nói và cho hay, trước ngày đi, vợ anh nêu ý kiến hủy chuyến vì ngại đưa con nhỏ đến chỗ đông người. Tuy nhiên, thành viên trong đoàn đều ở các tỉnh phía Nam và đã đặt xe, vé máy bay, khách sạn nên anh Tuấn vẫn quyết lên đường, đồng thời chuẩn bị 200 khẩu trang cho mọi người.
"Đầu năm đi chùa mà mặt ai cũng kín mít, hạn chế nói chuyện nên rất mệt mỏi", anh Tuấn nói. Theo anh, kế hoạch đi chùa Yên Tử của đoàn sẽ dừng lại, đợi dịp khác.
Anh Ngô Minh Tuấn (phải) đưa gia đình đi du xuân ở chùa Hương.
Đường lên chùa thông thoáng, song tại khu vực bên trong chùa Thiên Trù, động Hương Tích vẫn tập trung hàng trăm người. Nhiều du khách không đeo khẩu trang, thoải mái trò chuyện. Bà Đỗ Thị Sóng (80 tuổi, Quỳnh Phụ, Thái Bình) bỏ khẩu trang khi vào nội tự khấn vái. "Tôi đeo để mấy đứa con yên tâm chứ mình chẳng sợ, lúc lễ đeo khẩu trang sẽ không thành kính", bà Sóng chia sẻ.
Theo đại diện Ban quản lý di tích chùa Hương, căn cứ vào số vé qua cổng, lượng khách đến chùa ngày cuối tuần còn khoảng 20.000, giảm 1/3 so với dịp Tết Nguyên đán và ngày khai hội (30/1).
"Du khách lo lắng dịch bệnh lây lan nên ít về trảy hội, nhiều đoàn khách đã hủy chuyến. Chúng tôi đang theo dõi thông tin, trong trường hợp cần thiết sẽ yêu cầu tất cả chủ thuyền, đò dừng phục vụ khách", ông Nguyễn Bá Hiển, Phó Ban tổ chức lễ hội chùa Hương nói.
Theo ông Hiển, Ban tổ chức lễ hội sẽ phun thuốc tẩy trùng khu vực chùa vào đêm nay (2/2) và hạn chế các điểm tập trung đông người; không tổ chức đêm thơ Tết Nguyên Tiêu (15 tháng Giêng).
Bến xe điện chùa Tam Chúc (Hà Nam) không còn cảnh chen chúc như mấy ngày trước.
Cách chùa Hương 8 km, chùa Tam Chúc (Kim Bảng, Hà Nam) đã thông báo dừng tổ chức lễ khai hội (dự kiến vào ngày 12 tháng Giêng).
Dịp Tết Nguyên đán, mỗi ngày chùa Tam Chúc đón khoảng hơn 60.000 khách, ngày cao điểm đến 100.000 người. Đến ngày 1/2, số lượng khách đã giảm xuống còn khoảng 15.000. Trong bến xe điện, các phương tiện xếp hàng dài chờ khách, lối lên chùa Ngọc thông thoáng.
Thượng tọa Thích Minh Quang, người trông coi, phụ trách chùa Tam Chúc cho biết, Ban trị sự đã chuẩn bị 20.000 khẩu trang y tế để phát miễn phí cho khách. "Nhà chùa thông báo cho bà con giữ gìn vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, hạn chế tối đa việc tụ tập đông người trong thời gian dài", Thượng tọa Thích Minh Quang nói.
Ngày 31/1, Thủ tướng yêu cầu dừng tất cả các lễ hội chưa khai mạc trên cả nước; lễ hội đang diễn ra phải giảm quy mô. Người dân đeo khẩu trang tại nơi công cộng và hạn chế du xuân, tham gia lễ hội. Đến nay nhiều lễ hội lớn ở miền Bắc như Yên Tử (Quảng Ninh), đền Trần (Nam Định), chọi trâu (Phú Thọ)... đã dừng khai mạc để phòng chống dịch viêm phổi cấp do nCoV.
Đến sáng 2/2, tại Việt Nam có 7 người mắc bệnh (trong đó có 2 người Trung Quốc; 4 người Việt Nam; một Việt kiều quốc tịch Mỹ).