Chủ tịch Hà Nội yêu cầu trừ các cửa hàng xăng dầu bán lẻ, thuốc chữa bệnh, rau củ quả, lương thực thực phẩm, còn lại tất cả các cửa hàng đều phải đóng cửa đến hết ngày 5/4.
Chiều nay, tại trụ sở UBND TP, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội.
Báo cáo cuộc họp, Phó GĐ Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, để tăng cường phòng, chống dịch hiệu quả, thành phố đã tạm dừng các dịch vụ kinh doanh không cần thiết, như: Karaoke, massage, quán bar, vũ trường, kinh doanh trò chơi điện tử, rạp chiếu phim, sân vận động, các môn thể thao, quán bia...
Đồng thời, thành phố yêu cầu hạn chế tối đa việc tập trung đông người tại các đám hiếu, hỷ, sinh nhật, hoạt động tôn giáo, thờ tự.
"Vừa qua, có hiện tượng tập trung đông người đi lễ tại Phủ Tây Hồ, đây là việc không nên vì có nguy cơ lây nhiễm dịch. Đề nghị các địa phương cần xem xét, quản lý lại theo đúng tinh thần chỉ đạo của thành phố", ông Hoàng Đức Hạnh nói.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Đức Chung yêu cầu các cửa hàng dịch vụ không thiết yếu, trừ các cửa hàng xăng dầu bán lẻ, thuốc chữa bệnh, rau củ quả, lương thực thực phẩm, còn lại đều phải đóng cửa đến hết ngày 5/4.
Thành phố quyết định chỉ để 20% các phương tiện vận tải công cộng hoạt động. Chủ tịch Hà Nội tiếp tục khuyến cáo người dân không nên đi xe công cộng.
“Tất cả mọi người nên ở nhà, trừ việc ra ngoài mua lương thực thực phẩm. Tất cả quán café, quán bar, nhà hàng, tập gym phải dừng toàn bộ, không kể nội thành, ngoại thành. Các nơi làm việc phải đo thân nhiệt và khử khuẩn”, ông Chung chỉ đạo.
Ông Chung cũng cho rằng, mọi người ra đường phải giữ khoảng cách từ 2–3 mét và phải đeo khẩu trang để phòng chống lây nhiễm Covid-19.
Theo Chủ tịch UBND TP, chỉ có sự tham gia của tất cả người dân, với ý thức bảo vệ cho mình, gia đình mình, cộng đồng, trách nhiệm với đất nước mới chiến thắng được dịch bệnh.
Ông Chung nói: Nếu vẫn còn tụ tập, vẫn còn uống cà phê thì nguy cơ lây lan nhanh.
Ông Chung nhắc lại ý kiến của Thủ tướng, một hai tuần tới là thời gian quyết định có chiến thắng dịch bệnh hay không. Nếu phong tỏa được toàn bộ và hạn chế nguồn lây thì mới đảm bảo được an toàn.
"Nếu không thì con đường an toàn của chúng ta sẽ hẹp lại", ông Chung lưu ý.