Đêm 12/2, phụ huynh tại TP HCM nhận được văn bản thiếu dấu đỏ của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, thông báo cho học sinh nghỉ hết 21/2.
Đêm 12/2, phụ huynh tại TP HCM nhận được văn bản thiếu dấu đỏ của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, thông báo cho học sinh nghỉ hết 21/2.
Văn bản này không có con dấu của Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, nhưng đã gắn số hiệu 219/GDĐT-VP, nội dung ghi: Học sinh, sinh viên, học viên các cấp học, bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên và các đơn vị trực thuộc trên địa bàn TP HCM được nghỉ học từ ngày 3/2 đến hết ngày 21/2.
Nhiều phụ huynh hoang mang bởi một ngày trước đó lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho biết học sinh thành phố sẽ trở lại trường từ ngày 17/2, sau hai tuần nghỉ tránh dịch nCoV (Covid-19).
Sáng 13/2, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM Lê Hồng Sơn khẳng định, công văn trên là giả mạo. Sở thực hiện chỉ đạo của Thường trực UBND TP HCM ngày 12/2, báo cáo tình hình phòng, chống dịch Covid-19 của ngành giáo dục và xin ý kiến chỉ đạo, quyết định thời gian đi học lại của học sinh.
Công văn giả (bên phải) có nhiều điểm bất hợp lý và thiếu dấu đỏ. Ảnh: M.T |
Văn bản giả được sao chép từ công văn 219/GDĐT-VP do Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM phát hành chiều 2/2 cho phép học sinh nghỉ học do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona (từ ngày 3 đến 9/2). Người làm giả chỉ thay ngày ban hành, thời gian nghỉ, còn những căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thường trực UBND TP HCM đều chưa được cập nhật.
Công văn giả nêu thời gian nghỉ từ ngày 3/2 đến 21/2, trong khi việc cho học sinh nghỉ được chia làm hai khoảng thời gian với hai thông báo (từ ngày 3 đến 9/2 và sau đó kéo dài đến hết 16/2). Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM đã cập nhật tên gọi của dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona là Covid-19, trong khi "công văn" trên chưa có.
Tương tự, ngày 10/2 mạng xã hội xuất hiện văn bản được cho là của UBND tỉnh Nam Định, nội dung nêu học sinh được nghỉ hết 1/3 để tiếp tục phòng chống dịch Covid-19. Văn bản này giống hệt công văn hỏa tốc số 40, ban hành ngày 7/2, từ người ký là Phó chủ tịch tỉnh Trần Lê Đoài, đến số hiệu, nội dung, cách trình bày và dấu câu. Chi tiết khác biệt là ngày ban hành và ngày cho học sinh nghỉ, chất lượng in ấn của "công văn ngày 10/2" kém, phần ngày bị mờ.
Công văn thật (bên trái) và văn bản giả mạo. Ảnh: T.H |
Phó chủ tịch tỉnh Trần Lê Đoài khẳng định ngoài công văn số 40 ban hành ngày 7/2, tỉnh Nam Định chưa có thêm bất cứ thông báo nào về việc cho trẻ mầm non, học sinh nghỉ học phòng dịch bệnh nCoV. "Văn bản ngày 10/2 thông báo nghỉ hết 1/3 là giả mạo, tỉnh không ban hành và tôi không ký", ông Đoài nói.
Sau công văn giả mạo, ngày 11/2 UBND tỉnh Nam Định ra thông báo đến các sở ban ngành, yêu cầu cán bộ, giáo viên và học sinh không bình luận, chia sẻ thông tin, văn bản không phải do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Ngoài TP HCM và Nam Định, nhiều trường học và địa phương khác cũng bị giả mạo công văn cho học sinh, sinh viên nghỉ để phòng chống dịch. Trước đó ngày 6/2, Đại học Đà Nẵng xác nhận văn bản lan truyền trên mạng xã hội với nội dung cho sinh viên nghỉ đến ngày 16/2 là giả mạo, có nhiều điểm bất hợp lý.
Đến ngày 13/2, Vĩnh Phúc là tỉnh duy nhất thông báo cho học sinh nghỉ thêm một tuần, từ 17/2 đến hết 23/2 để tập trung phòng dịch Covid-19. Hiện tỉnh có 11 ca dương tính nCoV (cả nước có 16 ca). Trong đó, có một nữ sinh lớp 10A2 trường THPT Võ Thị Sáu. Ngoài ra, 6 học sinh tiếp xúc gần với nữ sinh này đã được cách ly tập trung, xét nghiệm nCoV, hiện chưa có kết quả.
Trừ Nghệ An và Hà Tĩnh chưa thông báo, học sinh 60 tỉnh thành còn lại thực hiện văn bản trước đó, nghỉ học hết 16/2 và từ ngày 17/2 đi học bình thường.